Cỏ thuốc hàn, cỏ lá xoài

Cỏ thuốc hàn (cỏ lá xoài)

giúp cầm máu, sát trùng và điều trị mụn nhọt

Cỏ thuốc hàn, cỏ lá xoài.

Ở quê thì không khó để tìm cỏ thuốc hàn – một trong các cây thuốc có tác dụng cầm máu rất hay!

Cỏ thuốc hàn – nghe cái tên thôi là đã thấy mát lạnh rồi!. Hồi nhỏ tôi hay nghịch, thích tập xe đạp mà tập mấy năm mới chạy được. Có lần chạy xe bị ngã, hai đầu gối tươm máu nên bị mẹ tôi mắng cho một trận. Mặc dù mắng như vậy như mẹ tôi vẫn đi kiếm cây cỏ thuốc hàn, giã nát rồi đắp lên đầu gối của tôi. Thuốc này đắp lên mát rượi, giúp cầm máu rất nhanh. Vì vậy, ở quê tôi, người ta còn dùng loại cỏ này, giã nát rồi xát lên vết thiến heo cho mau lành.

Vài nét về cỏ thuốc hàn (cỏ lá xoài)

Trong dân gian, cỏ thuốc hàn (Struchium sparganophorum) còn được gọi là cỏ lá xoài vì lá của nó có hình dáng như lá xoài. Ngoài ra, nó còn được gọi là cốc đồng, nọc xoài…

Cỏ này mọc hoang và thích nghi với nhiều môi trường, dù ở nơi đất khô ráo hay dưới ruộng đồng thì nó cũng mọc được. Nước ép từ cây cỏ này rất đắng.

Ở nước ta, loại cỏ này mọc chủ yếu ở các tỉnh Nam Bộ như Long An, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cần Thơ…

Công dụng làm thuốc của cây cỏ thuốc hàn

Theo nhà nghiên cứu Võ Văn Chi thì cây cỏ thuốc hàn (dùng tươi) có các công dụng như:

  • Cầm máu: Rửa sạch lá cây tươi rồi nhai hoặc giã nát và đắp lên.
  • Sát khuẩn: Cũng giã nát cành lá tươi rồi đắp lên vết thương và vùng da viêm nhiễm.
  • Tiêu độc, dùng khi bị sưng tấy, côn trùng cắn: Rửa sạch, giã nát cùng một ít muối rồi đắp 1 tiếng, mỗi ngày đắp bó 2 lần.

Ngoài ra, ở một số tỉnh miền Tây Nam Bộ, dân gian còn dùng cây này làm thuốc điều trị rong kinh ở phụ nữ.

Cách dùng như sau: lấy cỏ thuốc hàn phơi khô dưới bóng râm, tức phơi âm can (dùng 3 g), cỏ chỉ phơi khô (dùng 3 g), vỏ quả sầu riêng (sao đen, dùng 3 g) và bạc hà đất phơi khô (cũng dùng 3 g), tất cả cho vào nồi, nấu với 1 lít nước cho đến khi nước rút còn lại 8 phân thì chắt ra, chia thành 2 lần uống trong ngày. Thông thường, dùng từ 2 – 3 thang thuốc là sẽ thấy hiệu quả

Trong lĩnh vực làm đẹp, cỏ thuốc hàn còn được biết đến với tác dụng điều trị bỏng, mụn bọc, trầy xước ngoài da vì nó giúp da mau lành, mau liền sẹo và giúp mát da mặt, giảm mụn, không bị thâm nám.

Cách dùng cũng rất đơn giản: đó là giã nát cành lá tươi của cây và thoa, đắp lên da

Lưu ý khi dùng

Rửa sạch trước khi dùng.

Sau khi dùng vài lần, nếu thấy bệnh không cải thiện thì nên dừng lại và hỏi ý kiến thầy thuốc (bác sĩ) để được hướng dẫn loại thuốc phù hợp. 

Thông tin thêm

Hiện nay, ngoài các bài thuốc phổ biến như vừa kể ở trên thì cây này còn được biết đến với các công dụng như: điều trị tiểu tiện ra máu, ói ra máu (những công dụng này được chia sẻ trên facebook và các trang mạng). Điều này cho thấy đây là một cây thuốc tiềm năng, cần được nghiên cứu thêm để có thêm tư liệu cho y học nước nhà (hiện nay, các nghiên cứu về cây thuốc này còn rất ít, hầu như chỉ được dùng làm thuốc trong phạm vi dân gian).

https://trovethiennhien.com/san-pham/co-thuoc-han-co-la-xoai/

Trả lời